Nhân mùa World Cup 2022 nhắc lại thời kỳ huy hoàng của túc cầu miền Nam trước 1975

(Xin  phép “lấn sân” anh Lê Quý Thể, người từng dìu dắt hai đội banh Châu Văn Tiếp và Ngô Quyền)

 

Môn bóng tròn (túc cầu) ở miền Nam trước 1975 rất thịnh hành, mọi người từ già đến trẻ đều say mê theo dõi những trận thi tài của các hội tuyển đá banh nổi tiếng ở Sài Gòn: Ngôi Sao Gia Định, AJS, Cảnh Sát Quốc Gia, Cảnh Sát Đô Thành , Tổng Tham Mưu, Quan Thuế, Việt Nam Thương Tín…Đặc biệt khi có những trận đá quốc tế giữa các hội tuyển Việt Nam với các hội tuyển ngoại quốc thì số người đi xem và theo dõi qua hệ thống truyền thanh rất đông.

 

Hội banh người Việt đầu tiên được thành lập là Gia Định Sports vào năm 1908. Đội này do ông Ba Vẽ thành lập, sau đó ông Nguyễn Phú Khai thay ông Ba Vẽ làm hội trưởng. Lúc này có các cầu thủ như Paul Thi, Huyện Thơm, Louis Gồng, Lucien Hộ, Mùi, Pierre Đại (thủ môn). Paul Thi cũng là tay quần vợt nổi tiếng như các ông Chim và Giao. Sau đó không lâu, Gia Định Sports sáp nhập với Hội banh Étoile Bleue (Ngôi sao Xanh), do ông huyện Nguyễn Đình Trị sáng lập, thành Hội banh Ngôi sao Gia Định” (Étoile de Gia Định) . Như vậy có thể nói 3 ông: Ba Vẽ, Nguyễn Phú Khai, Nguyễn Đình Trị được coi như là những người sáng lập ra nền đá banh ở VN.

 

Tuy thế mải đến giai đoạn VNCH (1954-1975) túc cầu Nam Việt Nam mới trở thành thời kỳ cực thịnh , trong khu vực Đông Nam Á, và cả làng bóng quốc tế, với những tên tuổi Phạm Văn Rạng, Phạm văn Mỹ, Đổ Thới Vinh, Phạm Huỳnh Tam Lang, Lâm Hồng Châu…

TamLang.PNG

Cầu thủ Tam Lang

 

Thời này túc cầu Việt Nam ngang ngữa với Đại Hàn, Hương Cảng, Đài Loan, còn Nhật thì chỉ mới bắt đầu khởi sắc. Sân Tao Đàn và Sân Cộng Hoà là nơi chứng kiến những trận thư hùng tranh giải hay giao hửu giữa các đội banh tuyển, nổi tiếng ở Saigon và các đội banh đến từ châu Á, Anh, Pháp, Áo, Úc, Peru, Brazil, Hungary, Mỹ…

 

Nói đến túc cầu Miền Nam trước 1975 người ta không thể không nhắc đến ký giả thể thao Huyền Vũ.

HuyenVu.JPG

Ký giả huyền Vũ

 

Huyền Vũ tên thật là Nguyễn Ngọc Nhung, người Phan Thiết, chủ bút tạp chí thể thao hàng tuần và báo Nguồn Sống trước năm 1975, còn là một ký giả thể thao nổi tiếng qua những bài tường thuật cũng như bình luận các trận cầu quốc tế tại sân cỏ. Nghe ông tường thuật người ta cãm thấy như mình đang xem trận đấu trên sân cỏ, đây là khả năng thiên phú cộng vói sự hiểu biết về môn bóng tròn và sự theo dỏi sát sao khả năng của từng cầu thủ. Huyền Vũ là biểu tượng-icon của nền túc cầu VNCH đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc quãng bá. Huyền Vũ sang định cư và mất tại Hoa Kỳ năm 2005 , hưởng thọ 91 tuổi. Hồi còn nhỏ, nhà nghèo không có radio, mỗi lần có trận đá giữa các hội banh Sài Gòn với hội tuyển Nam Hoa của Hồng Kông có sự hiện diện của “cầu vương” Lý Huệ Đường là tôi có mặt trong sân nhà chú hai Nha, xéo ngang nhà tôi để cùng bọn trẻ trong xóm nghe Huyền Vũ tường thuật trận đá. Khi trận đá đang diễn ra và đôi bên chưa ai mở tỷ số thì ông mô tả “ màn lưới đôi bên vẫn còn trinh bạch”. Mỗi lần hội tuyển nhà đá vô một trái thì đám thính giả con nít chúng tôi vỗ tay rần rần.

 

Để tham dự một giải túc cầu quốc tế, người ta lập ra hội tuyển quốc gia gồm các cầu thủ chọn từ các hội tuyển đứng đầu của Sài Gòn. Hội tuyển này đã tạo ra những thành tích lẫy lừng trong suốt thời kỳ tồn tại của chế độ VNCH tại miền Nam:

SeapGame1050.JPG

Các giải Á Châu

·      Asian Games

o  Hạng tư (1): 1962

o  Tứ kết (1): 1958

·      AFC Asian Cup

o  Hạng tư (2): 1956, 1960

Các giải Đông Nam Á

 

.           Cúp Merdeka Mã Lai

 

                       Vô địch (1): 1966

·      Cúp quân đội Thái Lan

o  Vô địch (1): 1974

·      King's Cup

o  Hạng 3 (2): 1969, 1971

·      SEA Game

o  Huy chương vàng (1): 1959

o  Huy chương bạc (2): 1967, 1973

o  Huy chương đồng (3): 1961, 1965, 1971

Giải trong nước

·      Cúp Quốc Khánh

o  Vô địch (6): 1961, 1962, 1965, 1966, 1970, 1974

o  Á quân (2): 1971, 1972

 

Merdeka1966.JPG

 

VNCH đoạt cúp Merdeca 1966

 

Bên cạnh vinh quang của làng bóng tròn miền Nam trước 1975 có những kết thúc buồn tủi của những cầu thủ tạo nên vinh quang đó khi về già. Nếu Pelé của Brazil, Maradona của Argentina, Beckham của Anh, Cristiano Ronaldo của Bồ Đào Nha nhờ đôi chân vàng trở thành triệu phú, sống vương giả suốt đời thì các cầu thủ miền Nam Việt Nam cuối đời sống trong nghèo khổ và chết âm thầm mà điển hình là hai cầu thủ Chiêu và Vinh của hội tuyển Quốc Gia Việt Nam.

 

Trung phong Nguyễn Văn Chiêu và tiền vệ Đỗ Thới Vinh là đôi bạn thân thiết cùng chung màu áo từ đội Quan Thuế rồi khi vào quân ngũ cả hai đá cho Đội Tổng tham mưu. Giải ngũ, cả hai trở về đội Quan Thuế và cùng đá trong đội tuyển quốc gia. Cuộc đời hai anh gắn liền cả chục năm trời bên nhau trên sân cỏ.

Tại Giải Merdeka năm 1966, Vinh và Chiêu là hai người lập công trạng lớn nhất đem vinh quang về cho Việt Nam. Giờ đây, hai anh kẻ trước người sau ra đi trong âm thầm, thiếu vắng đồng đội tiễn đưa, không một lời ai điếu nhắc lại thời huy hoàng của trên sân cỏ.

 

Nguyễn Văn Chiêu đã vĩnh viễn ra đi năm 1987 tại Long Thành trong hoàn cảnh thương tâm, chỉ có người vợ cùng mấy người con khóc nghẹn trước thân xác lạnh lẽo của chồng và cha trong căn chòi lá nằm sâu trong một góc vắng của thị xã Long Thành. Đám tang anh vội vã, không kèn không trống. Mộ phần không tiền xây cất, đắp đất sơ sài.

 

Tiền vệ Đỗ Thới Vinh cũng mất tại Việt Nam năm 1995 vì bệnh tiểu đường. Anh là nhân vật tên tuổi trong giới túc cầu được nhiều người ái mộ từ trong nước ra tới hải ngoại nhưng anh cũng âm thầm ra đi trong hoàn cảnh đơn chiếc, túng thiếu.

 

Có thể vì cuộc đổi đời năm 1975 các anh cùng chung số phận của 19 triệu người miền Nam như lời cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã nói: “đất nước còn, tất cả còn, đất nước mất, mất tất cả”.

 

Huỳnh Công Ân

Montreal ngày 29/11/2022

 

Tài liệu tham khảo:

Wikipedia tiếng Việt

Hồi Ức Nguyễn Ngọc Chính

Dấu chân Kỷ Niệm Mai Trần