THÁNG TƯ NGHE
NHỮNG BẢN NHẠC VỀ SÀI GÒN XƯA
Tuỳ bút Huỳnh Công Ân
Sài Gòn trước 1975 được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông. Sài Gòn lúc đó không thua kém gì Singapore và Hồng Kông. Nếu Singapore và Hồng Kông thừa kế văn minh Anh thì Sài Gòn chịu ảnh hưởng văn hoá Pháp. Ngay khi ở lớp năm (lớp 1 bây giờ), lứa tuổi của tôi đã học tiếng Pháp. Tôi còn nhớ bài học tiếng Pháp vỡ lòng là:
“Voici ma main, elle a cinq doigts
“En voici deux, en voici trois”
(Đây là bàn tay của tôi, nó có năm ngó
Đây này hai ngón, đây này ba ngón)
Thành phố Sài Gòn văn minh và thanh lịch đó đã được ghi nhớ trong kho tàng âm nhạc phong phú của miền Nam qua thời kỳ cực thịnh của nền văn hoá miền này sau khi tiếp nhận sự đóng góp của các văn, nghệ sĩ di cư đến từ miền Bắc năm 1954 và sau 1975 được nhắc đến trong tiếc nuối của các nhạc sĩ ra được hải ngoại
Mô tả vẻ xinh đẹp, nhộn nhip, vui tươi của Sài Gòn , nhạc sĩ Y Vân đã viết bản nhạc Sài Gòn:
“Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai
Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay
Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này
Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!”
Cũng nhạc sĩ Y Vân mô tả một “Saigon by night” không kém gì một “Paris by night” với muôn ánh đèn màu qua bản nhạc Đêm Đô Thị:
“Màn đêm xuống dần, muôn ánh đèn đột nhiên như ngời sáng.
Kìa bao phố phường, bao mái lầu chìm trong bóng đêm”
Sau khi ra trường tôi về dạy học ở tỉnh Vĩnh Bình (Trà Vinh) cách xa Sài Gòn khoảng 200 cây số. Đêm đêm nhờ về Sài Gòn hoa lệ tôi mở bản nhạc Nhớ Thành Đô của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ:
“Tôi xa đô thành một đêm trăng mông mênh.
Tuy ra đi rồi mà vẫn nhớ vẫn thương hình bóng ấy,
Người em thơ đang từng giờ đợi chờ.”
Rồi, thân trai trong thời chinh chiến, tôi nhập ngũ và lao mình trong lửa đạn. Những đêm nằm ngoài chiến tuyến mở nho nhỏ chiếc radio transistor nghe bản nhạc Chiều Thương Đô Thi của nhạc sĩ Song Ngọc, lòng tôi hướng về Sài Gòn nơi có người em gái hậu phương đang chờ mình từng phút từng giây:
“Đêm nay tôi nhớ đến em mơ về kinh thành
Những chiều gió lộng ta đi trong lòng phố vắng
Tâm tư qua làn khói trắng mưa rơi ướt hai mái đầu”
Nhạc sĩ Anh Bằng ví thành phố Sài Gòn chiều cuối tuần như một vườn hoa của mùa xuân tình yêu trong bản nhạc Sài Gòn Thứ Bảy:
“Ѕài Gòn thứ bảу ngàn hoa trên đường...
Lòng mình cứ tưởng mùa xuân уêu đương”
Người lính chiến miệt mài chiến đấu nên đôi khi lo rằng người yêu mình có thể sa ngã vì sự xa hoa của Sài Gòn như trong bản nhạc Thư Về Em Gái Thành Đô của ca nhạc sĩ Duy Khánh:
“Giờ đây, nghe nói em đang vui say
Chiều hoa lệ thành đô
Vòng tay ngà đua mở
Cùng hoa đèn sáng dở
Dìu em vào giấc ngủ
Quay cuồng tiếng hát đam mê”
Nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng nhớ Sài Gòn qua Những Bước Chân Chiều Chủ Nhật:
“Ðêm vẫn chưa buông nhưng chiều dần tàn
Mây tím giăng ngang trên trời Sài Gòn “
Nhà thơ của tuổi học trò Nguyên Sa đã gợi cảm hứng cho nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên phổ bản nhạc Áo Lụa Hà Đồng trong nắng Sài Gòn:
“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng”
Nhạc sĩ Văn Phụng ca tụng Sài Gòn ngày xưa là bến bờ mà du khách thế giới muốn tới trong bản nhạc Ghé Bến Sài Gòn:
“Cùng nhau đi tới Saigon
Là nơi du khách dập dồn
Từ năm châu tới viếng thăm Thủ Đô ´´
Sài Gòn là nơi đô hội quyến rũ nên Lê Uyên Phương đã phổ nhạc của Kim Tuấn thành bản Khi Xa Sài Gòn để diễn tả nỗi bâng khuâng của người Sài Gòn khi phải rời xa nó:
“Sài Gòn bây
giờ trời mưa hay nắng
Sài Gòn bây giờ ai khóc thương ai
Sài Gòn giới nghiêm che kín đêm dài
Sài Gòn khói bay, Sài Gòn nắng đổ
Sài Gòn đã buồn như trời sớm mai “
Nhưng biến cố 30/4/75 đã làm Sài Gòn mất tên và người Sài Gòn mất những thời gian tuyệt vời trước đó như trong bản nhạc Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt của Nam Lộc:
“Sài gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời
Sài gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời “
Và từ đó những người tha hương luôn nhớ về Sài Gòn qua những kỷ niệm còn đọng trong ký ức như những lời ca bùi ngùi tiếc nhớ trong bản nhạc Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên của Nguyễn Đình Toàn:
“Sài Gòn ơi!
Thôi hết rồi những ngày hát nhớ nhau
Nhớ Phạm Duy với tình ca sầu
mắt lệ rơi khóc thuở ban đầu
Còn gì đâu “
Trong tận cùng của tuyệt vọng, Nguyệt Ánh sáng tác bản Một Lần Đi như là một lời trối trăng của người vong quốc:
“Sài Gòn ơi, ta có ngờ đâu rằng
Một lần đi là một lần vĩnh biệt
Một lần đi là mất lối quay về
Một lần đi là mãi mãi thương đau.”
Năm nay, tháng tư lại về, những thương đau của quá khứ gần nửa thế kỷ một lần nữa lại ùa về, chúng ta nhớ Sài Gòn da diết. Ai cũng tự trách mình sao để mất một viên ngọc quý của đời mình vào tay những kẻ không đáng hưởng.
Còn gì đâu!
Montréal, 19/4/2022