THÁNG TƯ NGẬM NGÙI
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng mỗi lần tháng tư về là lòng tôi lại ngậm ngùi, đau xót. Đúng như tay trùm cộng sản miền Nam
Võ Văn Kiệt nói: ngày 30/4 đến thì có triệu người vui và triệu
người buồn. Tôi nằm trong số triệu người buồn hay nói theo Huy Đức trong cuốn Bên thắng cuộc tôi là người ở “bên thua cuộc”.
Khi cổng của dinh Độc Lập bị mở toang bằng cái húc của xe tăng cộng sản cũng là lúc cánh cửa tương lai của tôi bị đóng lại.
Sau 10 năm, dạy học từ miền tây đến miền đông tôi được thuyên
chuyển về Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng ở quận 5 Sài Gòn.
Đây là một trong những ngôi trường Pháp giao trả lại cho bộ Giáo Dục. Tiền thân của trường này là École Francaise De Cholon, một trường tiểu học dạy theo chương trình Pháp.
Trung tâm giáo dục Hồng Bàng dạy song ngữ Pháp Việt từ lớp 1
đến lớp 12. Đa số học sinh trường này là con em những nhà tai
mắt ở Sài Gòn: tướng tá trong quân đội, quan chức hành chánh và các nhà tư sản.
Được dạy tại một ngôi trường danh giá lại được ở gần nhà và đầu
tháng tư năm 1975 tôi lại vừa thành hôn với người mình yêu quả là hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc đó không kéo dài lâu, ngày
30/4/1975 ập đến, tôi cũng như toàn thể người dân miền Nam bị rơi xuống tận cùng địa ngục. Những kẻ chiến thắng đến từ miền
Bắc cướp bóc và hành hạ những kẻ chiến bại luôn cả những người dân vô tội miền Nam.
Những người có tài sản bị tịch thâu nhà cửa, xí nghiệp; người dân bình thường bị đổi tiền khiến số tiền dành dụm của họ không cánh mà bay và tất cả mọi người thành vô sản,
Rồi quân nhân, công chức VNCH bị tập trung “cải tạo” nhưng thật ra là đi tù vô thời hạn. Người dân Sài Gòn bị đày ra vùng “kinh tế mới” tức là nơi rừng thiêng nước độc để canh tác. Họ triệt tiêu
văn hoá và truyền thống đạo đức của những người được đào tạo
trong một nền giáo dục dân tộc, nhân bản và khai phóng.
Tôi cùng một số lớn đồng nghiệp là giáo chức biệt phái cũng bị
vào tù như những sĩ quan quân đội thuần tuý, Đứa con trai đầu
lòng của tôi sinh ra khi tôi còn ở trong tù. Khi nó biết đi chập
chửng và biết nói bập bẹ, vợ tôi dẫn nó đi “thăm nuôi” tôi ở trại
“cải tạo”. Mẹ nó dạy nó gọi ba nhưng nó nhìn hết người tù này
đến người tù khác, gầy ốm và rách rưới như nhau mà không biết ai mới là ba của nó.
Ngày ra trại tôi cảm thấy mình chỉ được chuyển từ nhà tù nhỏ ra
nhà tù lớn. 11 năm kẹt lại ở Việt Nam, tôi bương chải đủ mọi nghề để gia
đình vợ chồng tôi và hai con nhỏ sống còn: dạy học, bán quán,
giữ xe và chạy xe ôm.
Cuối cùng, tôi cũng thoát được đến bến bờ tự do. Rồi gia đình tôi được đoàn tụ dù ở xứ người nhưng chúng tôi cảm thấy hạnh phúc. Xin cảm ơn quê hương thứ hai đã dang tay đón nhận chúng tôi và đem lại cho chúng tôi cuộc sống sung túc.
HCA
Mùa Quốc Hận 2023