SÀI
GÒN CỦA TÔI
Huỳnh Công Ân
“Sài Gòn ơi, tôi xin
hứa rằng tôi trở về
Người tình ơi, tôi
xin giữ trọn mãi lời thề”
(Nam Lộc)
Ngoài cha mẹ tôi
thì tôi là
người duy nhứt không sinh ra tại
Sài Gòn. Vợ tôi, các
em tôi và
các con tôi đều sinh ra tại thành
phố từng được mệnh danh là “ hòn ngọc Viễn Đông” này.
Tuy nhiên, tôi đã
ở Sài Gòn từ khi lên
hai lên ba
cho đến khi rời bỏ
nó lúc đã
bước qua tuổi
40 và lại trở về thăm chốn cũ hằng năm từ năm 2008 sau 22 năm xa cách.
Tôi đã chứng
kiến những biến cố xãy ra ở Sài Gòn từ
khi có trí
khôn.
Tôi đã trông thấy
hình ảnh những người đàn ông trong
xóm tôi trong
đó có ba tôi và
cậu tôi bị phú lít
(police=cảnh sát) Tây lùa ra
kho Bata, ngoài đường Matelot
Manuel (Tôn Đản bây giờ) để bao bố nhìn mặt
trong thời Pháp thuộc.
Tôi cũng đã
bị biện Tây bắt vì
đi bắt dế quá giờ
giới nghiêm lúc chưa đầy
10 tuổi.
Mùng một Tết
năm 1953, tôi đã khóc nhiều
trong trận hoả hoạn kinh hoàng thiêu
rụi mấy ngàn ngôi nhà
giữa đường
Hoàng Diệu và Tôn Đản
bây giờ.
Năm 1955
gia đình tôi phải chạy giặc sang nhà cô tôi
ở Phú Nhuận khi lính Bình
Xuyên đánh nhau với quân đội quốc gia của thủ tướng Ngô Đình Diệm.
Những cuộc đảo chánh của đại tá Nguyễn Chánh Thi ngày 11-11-1960, của tướng Dương Văn Minh ngày 1-11-1963 chống ông Diệm và nhiều cuộc binh biến sau đó ở Sài Gòn không bao
giờ phai mờ trong ký ức tôi.
Rồi biến cố tết Mậu Thân 1968, lửa đạn ngập trời trong thành phố.
Và cuộc đổi
đời lịch sử 30/4/1975 làm thay đổi hoàn toàn bộ
mặt xã hội của thành phố Sài Gòn và
là dấu ấn sâu đậm
nhứt trong tâm khảm tôi và của
tất cả những người dân Sài Gòn.
Sau đó, dân Sài
Gòn kẻ ở người đi, rồi người đi lại về thăm Sài Gòn, người
ở Sài Gòn lại ra đi.
Tôi thuộc nhóm người ra đi rồi lại về dù chỉ để
thăm lại Sài Gòn trong
dăm ba tháng.
Dù vật đổi sao dời, Sài Gòn vẫn
ở trong trái tim tôi,
nơi chứng kiến những ngày tôi lớn
khôn, những năm tháng miệt mài sách vỡ, học hành rồi đổ đạt, vui chơi, đi lính, đi dạy,
đi cải tạo, đi vượt biên…
Sài Gòn cũng đã
ghi lại trong tôi những
kỷ niệm xao xuyến của những buổi hẹn hò, vui nhộn
trong những đêm dạ vũ và say cuồng trong những lần nhậu tại kiosque chị tư Hoa Nở
ở chợ Đũi
hay kiosque cô Lệ ở ngả tư Quốc Tế. Đó là những gì trước năm 1975 còn đọng lại trong ký ức
tôi.
Sau 22 năm định cư ở Canada, hằng
năm tôi trở về thăm Sài Gòn
để tìm lại những thân tình cũ:
gia đình, bạn bè, học trò.
Những lần họp mặt ở quán cà phê,
nhà hàng, cùng nhau nhắc
chuyện cũ, cùng nhau hát
karaoke hay tổ chức
chuyến đi chơi xa: Vũng
Tàu, Cần Thơ, Trà Vinh,
Phan Rang, Ban Mê Thuột, Pleiku, Kontum…là những
lần tôi thấy mình trẻ lại như lúc xưa
ở Sài Gòn.
Nhưng, mùa hè năm
2021 này, Sài Gòn đắm chìm trong một
thiên tai kinh hoàng: đại
dịch Covid-19. Trong mấy
tháng trời, Sài Gòn sống
trong tang tóc, thành phố bị phong toả, phố xá hoang vắng,
người dân phải ở trong nhà để tránh dịch. Trong gần hai vạn
người trong cả nước chết vì bệnh
dịch thì đa số là người Sài Gòn. Một số bạn đồng nghiệp và học trò cũ
của tôi không may cũng bị dịch bệnh cướp đi mạng sống.
Từ nơi xa
xôi, nhìn hình ảnh thành phố Sài Gòn ngày
hôm nay tôi không sao cầm
được nước
mắt. Trong
suốt hơn 70 năm qua, chưa bao giờ tôi
chứng kiến thành phố Sài Gòn tang thương
như thế, kể cả trong thời kỳ chiến tranh.
Ôi Sài Gòn của
tôi sao đau
thương như vậy!
Montreal, ngày 30/9/2021