QUẬN 4, TRƯỜNG NGUYỄN TRÃi VÀ TÔI

 

Tuỳ bút Huỳnh Công Ân

 

Tôi lớn lên ở quận 4 từ năm lên ba. Ký ức tôi còn giữ những biến cố xảy ra ở quận nhà như vụ cháy nhà ở chợ Cầu Cống năm 1948 mà gia đình tôi chạy lánh nạn ở sân banh bên hông xưởng bóng đèn Khánh Hội, hay đám cháy tết năm 1953 mà gia đình tôi dọn đồ chạy sang khu nhà lầu của ông Ba Lầu, Tôi nhớ hai lần đó vì còn nhỏ và quá sợ hãi nên tôi khóc suốt cuộc. Rôi biến cố Bình Xuyên năm 1955, nhà tôi chạy tỵ nạn sang nhà cô tôi bên Phú Nhuân.

 

Tôi học tiểu học ở trường Cao Văn (sau đổi là Công Danh) của thầy Năm Chan, ông ấy cũng là thầy của mẹ tôi khi còn ở Trà Vinh. Cùng ở trên đường Tôn Đản ( trước là Matelot Manuel) có trường Việt Tân và ở chợ Xóm Chiếu có trường Minh Tâm và trường Huỳnh Công (chẫng có họ hàng gì với tôi). Lúc đó ở quận 4 chưa có trường trung học nào. Quận 4 chỉ có hai trường tiểu học công lập (lúc đó gọi là trường nhà nước) là Khánh Hội và Vĩnh Hội.

 

Hồi còn nhỏ tôi cũng thuộc loại “quậy”, có một đêm lúc tôi khoảng 9, 10 tuổi, tôi đi với thằng Voi, bạn cùng xóm ra đường Matelot Manuel, khoảng nhà bảo sanh Đại Đức mà người ta thường gọi là nhà thương Cô Mụ Điếc để phân biệt với nhà thương Con Cò gần đường Jean Eudel ( thời ông Diệm là Trình Minh Thế, sau 75 là Nguyễn Tất Thành). Ở đó nhờ có nhiều cột đèn khí(đèn điện) nên dế cơm tụ tập nhiều. Bọn tôi thích bắt dế cơm, nhét vào bụng chúng một hột đậu phọng rồi nướng lên ăn rất ngon. Xui xẻo, một tên cảnh sát Tây của bót (đồn) 6è bureau tức là quận 6 nay là quận 4 đang núp ở hẻm Bata với một chiếc xích lô đạp để canh bắt những người vi phạm giờ giới nghiêm (ấn định lúc đó là 8 giờ tối). Tên này được mệnh danh là tên biện mặt đỏ, rất hung dữ.

 

Khi chúng tôi đi ngang hẻm thì tên biện Tây bước ra ngoắc chúng tôi vô, đoạn ra hiệu cho anh xích lô chở chúng tôi về bót. Tới bót, họ để chúng tôi nằm lăn ra sàn ngủ. Đang ngủ say, bỗng ai lay mạnh vai tôi, mở mắt ra tôi thầy ba tôi. Thì ra ba tôi thấy tôi không về nhà nên nhờ bác sáu Cải, làm rờ sẹc (recherche) tức là công an chìm dẫn lên bót lãnh tôi và thằng Voi ra.

 

Những buổi trưa hè, tôi theo đám bạn ra Bến Súc tập bơi. Lúc đầu, tôi bơi bằng cái ruột xe hơi bơm cứng làm phao. CóLần tôi bơi ra cầu ba ( cầu để tàu cặp bến mang số 3), leo lên cầu, quăng cái phao xuống nước trước rồi nhảy theo vào bên trong phao. Chẳng may, tôi nhảy trật ra ngoài. Hoảng hốt, tôi bơi một mạch vào bờ và khám phá ra là mình đã biết bơi. Sau khi tắm xong, tôi ngồi phơi nắng cho tóc khô mới dám về nhà. Như thế ba má tôi không biết tôi đi tắm sông.

 

Năm 1977, sau khi đi học tập cãi tạo về tôi được phòng Giáo Dục quận 4 cho về dạy học lại ở trường trung học phổ thông Nguyễn Trãi.

 

Vốn sống ở quận 4, nay lại dạy học tại quận nhà nên học trò của tôi là những người hàng xóm của tôi , vợ tôi lại là người sinh trưởng ở trong chợ Cầu Cống, nên trước khi lập gia đình với tôi thì vợ tôi được các em gọi bằng chị nhưng sau khi vợ tôi lấy tôi thì các em sửa lại cách xưng hô là cô.

 

Thời kỳ bao cấp kinh tế khó khăn, để nuôi sống gia đình một vợ và hai con,

 

ban đầu tôi mở lớp dạy thêm toán ở nhà từ lớp 6 đến luyện thi đại học. Sau này nhờ vợ tôi có tài nấu nướng, chúng tôi mở quán ăn ở đường Tôn Đản đặt tên là quán Chim Sẻ.

 

Sau 6 năm dạy ở trường Nguyễn Trãi, tới năm 1986 tôi định cư ở nước ngoài. Mãi đến năm 2008, khi đã về hưu tôi mới về thăm Việt Nam lần đầu tiên. Từ đó, mỗi năm tôi đều về Việt Nam vào dịp tết vừa để trốn cái lạnh cắt da mùa đông của Canada, vừa để hưởng không khí tưng bừng, ấm áp đón mừng năm mới ở quê nhà.

 

Tình cờ, năm 2013 em Nguyễn Thị Diễm cựu học sinh Nguyễn Trãi biết được email của tôi nên liên lạc với tôi và cây cầu thân ái thầy trò giữa tôi và các em cựu học sinh Nguyễn Trãi được nối lại sau hơn 30 năm gián đoạn.

 

Những năm sau đó, mỗi lần về Việt Nam vợ chồng tôi tìm được niềm vui bên cạnh các em học trò cũ qua các buổi họp mặt vui chơi hay nhũng chuyến đi chơi xa. Mỗi ngày, có khi là buổi sáng, có khi là buổi tối, ngồi ở quán cà phê, các em không quên gọi điện thoại mời thầy cô ra chơi.

 

Các em học sinh của tôi nay đã thuộc lứa tuổi ngũ tuần, nữ thì đã tới tuổi hưu, nam thì còn làm việc một vài năm nữa. Tôi rất mừng có nhiều em thành đạt có cuộc sống sung túc, nhưng ngược lại cũng rất lo lắng cho những em vất vả trong cuộc mưu sinh.

 

 

 

 

 

https://www.conganhuynh.com/Quan4_files/image002.jpg

Tuy nhiên, các em vẫn vui đùa với nhau như thời còn đi học và không khí vui nhộn đó lây lan đến tôi làm cho tôi cảm thấy trẻ lại.

 

Đó là niềm an ủi của tôi ở tuổi hoàng hôn của cuộc đời. Và nếu có kiếp sau tôi vẫn muốn làm nghề thầy giáo để được các em ân cần, ưu ái trong tình sư đệ dù giờ đây thầy trò “tóc bạc như nhau”.

 

Sài Gòn đầu xuân Mậu Tuất 2018

 

ã đăng trong Kỷ Yếu 40 Năm Nguyễn Trãi 71-78)