Nhật ký năm 2021


Ngày 1 tháng 1 năm 2021



THÂN CHÚC NGƯỜI THÂN, BẠN BÈ VÀ HỌC TRÒ CŨ CỦA TÔI MỘT NĂM MỚI DƯƠNG LỊCH HẠNH PHÚC, AN KHANG VÀ THỊNH VƯỢNG




Ngày 16 tháng 1 năm 2021



Hôm nay thứ bảy, trận bão tuyết đầu tiên đã đổ xuống thành phố Montréal. Người ta dự báo Montréal sẽ nhận khoảng 20 cm tuyết. Mọi năm khoảng thời gian này, vợ chồng tôi về Việt Nam để đón tết với người thân, bạn bè và các em học trò cũ. Nhưng năm nay, đại dịch Covid-19 đã ngăn chuyến trở về nguồn của chúng tôi. Bây giờ, chúng tôi phải nằm nhà vì tình trạng lây nhiễm Covid ở tỉnh bang Québec đang trầm trọng: hai hoặc ba ngàn người bị nhiễm và vài chục người chết mỗi ngày. Nhà hàng, tiệm buôn, biên giới bị đóng cửa, lệnh giới nghiêm ban hành từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng mỗi đêm.

Mong rằng nạn dịch mau qua, chúng tôi sẽ có cơ hội gặp lại những thân tình cũ ở mọi nơi tự do như thời gian trước.


Ngày 12 tháng 2 năm 2021



“Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa
Một chiều xuân em đã hẹn hò “
(Châu Kỳ)

Hôm qua, ngày 30 Tết, vợ chồng tôi đón chờ năm mới âm lịch cô độc, thui thủi ở nhà chỉ có hai người, không con, không cháu bên cạnh. Mọi năm, nếu ở lại Canada ăn Tết thì gia đình đứa con gái đến nhà đón Tết chung còn nếu về Việt Nam thì ăn Tết với gia đình đứa con trai đang ở đó vì công việc.

Canada đang ở trong mùa đại dịch, ban đêm thì giới nghiêm, ban ngày thì nhà hàng đóng cửa, không có chỗ vui chơi, hội họp, những người già ngồi nhà nhớ về dĩ vãng, nhớ về những mùa xuân đã qua đời mình trên quê hương.Và tôi cũng vậy.

Lúc còn nhỏ độ 8, 9 tuổi mỗi lần Tết đến thì tôi được ba tôi may cho một bộ pyjama mới mà chiều 30 Tết đã được bận đi chạy chơi với các bạn trong xóm. Trong túi, rủng rỉnh một ít tiền lì xì sớm tôi chạy tìm những sòng bầu cua cá cọp để đặt cược.

Tôi còn nhớ, những ngày Tết, một trong những thú vui ở nhà là đọc báo Xuân. Ngoài những bài viết bên trong về phong tục, ký sự, thơ... mùa Xuân thì hình bìa bên ngoài làm tôi chú ý nhất. Có tờ báo dăng ngoài bìa hình các nghệ sĩ cải lương, ca sĩ hay minh tinh điện ảnh như Thanh Nga, Thanh Thuý, Thẩm Thuý Hằng...Nhưng tôi thích nhất là trang bìa báo Xuân Tiếng Chuông của ông Đinh Văn Khai vì thường in tranh hình người đẹp của hoạ sĩ Lê Trung. Gương mặt toàn mỹ của người đẹp đó ám ảnh tâm hồn tôi từ tuổi ấu thơ


Đến tuổi “dậy thì”, những ngày trước Tết tôi với những thằng bạn còn trong tuổi “độc thân vui tính”như câu ông bà thường nói “trẻ vui cảnh chợ, già vui cảnh chùa” thường đi đến chợ hoa Nguyễn Huệ hay chợ tết Bến Thành để tìm một chút gì ấm lòng.
Đêm giao thừa, chúng tôi đi lên Lăng Ông Bà Chiều không phải để hái lộc mà để chiêm ngưỡng những nàng xuân đi xin xăm hay xem quẻ cầu duyên.

Rồi tuổi hoa niên cũng qua, xen lẫn thời gian dạy học là những năm dài trong quân ngũ. Tôi từng đón Tết tại đơn vị trong tư thế sẵn sàng tác chiến đề phòng bọn Việt cộng vi phạm lệnh hưu chiến như dịp Tết Mậu Thân.

Nhưng, hai cái Tết 1976 và 1977 trong trại cải tạo ghi lại trong cuộc đời tôi dấu ấn đau thương nhất của sự tuyệt vọng vì không biết bao giờ mình được thả ra và vợ con bên ngoài sống ra sao. Đến khi ra khỏi trại về với gia đình, tôi phải vật lộn với cuộc “đổi đời” để tồn tại.

Trên đường tìm tự do, tôi trãi qua hai cái Tết ở các trại tỵ nạn Mã Lai trong các năm 1986 và 1987. Tuy buồn vì xa nhà, nhưng trước mắt tôi có niềm hy vọng về một cuộc sống mới tự do.

Rồi những cái Tết tha hương ở “xứ lạnh tình nồng” Canada với bên ngoài tuyết trắng phủ đầy vạn vật khiến tôi thèm những cái Tết quê nhà ấm áp. Do đó mười mấy năm nay, trừ những năm bận việc phải ở lại, năm nào tôi cũng về Việt Nam ăn Tết.

Năm nay, bị kẹt lại đây vì dịch Covid-19, tôi ăn Tết Việt Nam online với vợ chồng đưa con trai và ba đúa cháu nội qua messenger.



Ngày 8 tháng 3 năm 2021



Chúc bà xã, con gái, con dâu, em gái, các em dâu, các em gái vợ, các chị em họ, các cháu gái, các chị sui, các học trò gái của tôi và tất cả các phụ nữ Việt Nam một ngày Quốc Tế Phụ Nữ vui tươi, hạnh phúc và bình an.



Ngày 20 tháng 3 năm 2021



Hôm nay mùa Xuân chính thức về trên “xứ lạnh, tình nồng” Canada. Tôi từ Việt Nam trở lại đây được hơn nửa năm, về trong cơn đại dịch đang hoành hành tại quê hương thứ hai của tôi. Gần 10 tháng kẹt ở Việt Nam trước đó, tôi sống trong một môi trường tương đối an toàn dù cả thế giới đang bị con virus Vũ Hán gieo rắc kinh hoàng.

Lúc mới về, theo quy định của bộ y tế Canada, bất cứ công dân nào từ nước ngoài về nước phải tự “cách ly” tại nhà 14 ngày, vì vậy chúng tôi phải ở trong nhà không được phép ra ngoài trong thời gian đó.

14 ngày đó đối với chúng tôi, vốn bản chất năng động, thật là một cực hình vì suốt ngày phải quanh quẩn trong nhà. Chúng tôi phải tìm việc làm cho qua thời gian ngoài những lúc xem TV hay lên mạng. Vợ tôi làm bếp, tôi dọn dẹp bên trong nhà và phía sân sau. Mỗi sáng tôi ra đề máy hai chiếc xe hơi để tránh chết bình. Nhìn hai chiếc xích đu và cái cầu tuột mà ông bạn hàng xóm Gérald đã ráp sẵn chờ mấy đứa cháu nội tôi về lúc mùa hè vừa qua để chơi, nhưng chúng không về, tôi thầm cám ơn người bạn tốt bụng và rất tế nhị.

Trong thời gian “cách ly”, chính phủ đã gọi phone cho tôi hai lần. Lần đầu vì tôi để điện thoại ở nhà trên và xuống dưới dọn dẹp nên không bắt được. Lần sau may mắn tôi bắt phone và trả lời họ nên yên chí mình đã tuân thủ đúng quy định.

Những thứ người ta gởi cho chúng tôi đem qua dùm cho người quen đã được tôi giao đầy đủ bằng cách để trước cửa và gọi họ đến lấy. Riêng về thức ăn, chúng tôi nhờ con gái đi chợ Á Châu và ông hàng xóm đi chợ Tây mang đồ ăn để trước cửa, chúng tôi ra lấy sau.

Hai niềm vui của chúng tôi là nói chuyện qua mạng với các cháu nội và ngoại hoặc xuống dưới nhà hát karaoke.

Sau đó tình hình càng ngày càng xấu hơn, tại tỉnh bang Québec, mỗi ngày gần 2000 người nhiễm Covid và chết vài chục người. Chánh phủ phải dùng những biện pháp mạnh: đóng cửa trường học, rạp hát, quán ăn…, cấm tụ họp đông người và giới nghiêm ban đêm.

Đến hôm nay, cùng với việc mùa đông đã qua, tình hình tương đối sang sủa hơn, nhứt là sau khi chiến dịch chích ngừa Covid được tiến hành. Vợ chồng tôi đã được chích ngừa lần thứ nhứt. Như vậy chúng tôi cũng cảm thấy tương đối an tâm. Lệnh giới nghiêm đã giảm bớt, các em học sinh đã đi học lại.

Có phải mùa Xuân đến đem lại tin mừng và niềm vui cho mọi người?

Ngày 1 tháng 4 năm 2021



Có tin mùa hè năm nay, đại dịch Covid sẽ chấm dứt. Mọi sinh hoạt sẽ trở lại bình thường và người ta sẽ có thể đi du lịch bất cứ nơi nào mình thích. Vợ chồng tôi có thẻ về Việt Nam để thăm vợ chồng thằng con trai lớn và 3 đứa cháu nội đang ở Sài Gòn vì nó đang điều hành một công ty về công nghệ tin học ở đó. Nhưng, hôm nay là ngày 1/4, tin đó chỉ là CON CÁ THÁNG TƯ (POISSON D'AVRIL) nghĩa là không có thật, nhưng đó là ước mo của tôi và chắc cũng là ước mơ của mọi người sau hơn một năm trời cả thế giới đẵm chìm trong đại dịch.

Nhưng có những điều không phải là cá tháng 4 mà là hiện thực như hôm nay dù đã vào xuân hơn 10 ngày, trời lại đổ tuyết và có tin không vui nữa là dịch tăng mạnh hơn, chánh phủ Québec phải đưa một số vùng đã được đổi màu cam trở lại màu đỏ.

Ngày 9 tháng 5 năm 2021



Nhân ngày Hiền Mẫu (Mother’s Day), chúc mừng tất cả các bà mẹ Việt Nam trong đó có mẹ của các con tôi, mẹ của cháu ngoại tôi, mẹ của cháu nội tôi cũng như những người thân và học trò cũ của tôi đã là mẹ, đã hoàn thành thiên chức cao cả của mình



Ngày 20 tháng 6 năm 2021



TÂM SỰ MỘT NGƯỜI CHA




Ba tôi chỉ là một người lao động. Ông chỉ học hết bậc sơ học thời Pháp thuộc. Năm 1945 để tránh cảnh loạn lạc ở vùng quê, ông dẫn vợ con lên Sài Gòn thuê nhà ở Phú Nhuận học may và đi làm thợ may cho bác tôi ở đường Matelot Manuel ( Tôn Đản bây giờ) thuộc quận 6 (quận 4 ngày nay). Mỗi ngày, ông cuốc bộ đi và về giữa Phú Nhuận và Khánh Hội. Về sau ông mua được một căn nhà lá ở trong hẻm đường Tôn Đản mở một tiệm may. Đường hẻm đó sau này trở thành đường Đỗ Thành Nhân và hiện nay là đường Đoàn Văn Bơ. Với nghề may ông đã nuôi sống một vợ và sáu con, dù không giàu có gì nhưng cũng không đến nỗi nghèo túng. Ông đã hoàn thành trách nhiệm một người cha.

Tiếp nối ông, tôi cũng làm cha nhưng không cáng đáng đầy đủ bổn phận của mình. Thời cuộc đưa đẩy tôi từ một người có cuộc sống trung lưu của một giáo sư trung học, một công chức hạng A trở thành một người lao đông chân tay.. Nhưng lúc ấy tôi còn độc thân nên một mình tận hưởng những thành quả của mười mấy năm sách đèn. Xuất thân trong một gia đình khá giả, đi học trường tây nhưng đến khi lập gia đình thì vợ tôi chỉ sống thong thả cuộc đời nội trợ, ở nhà để chồng nuôi không đầy một tháng rồi phải trở thành người lao động chính trong gia đình. Nàng phải buôn tảo bán tần lớp nuôi con ở nhà, lớp nuôi chồng trong trại học tập cải tạo.

Sau khi ra trại, tôi được tiếp tục dạy học nhưng lúc đó nghề này không đủ sống cho một mình tôi nói gì cho một gia đình một vợ hai con. Thế là vợ tôi lại là cột trụ của gia đình, với tài nấu nướng nàng mở một quán ăn và chúng tôi được một vài năm sống thoải mái.

Nhưng khó khăn lại đến trong “thời bao cấp”, hoạt động kinh doanh tư không được tự do phát triển, tôi đành ra nước ngoài bỏ vợ tôi ở lại trong nước gồng gánh gia đình.

Vì tôi là kẻ di đân đến muộn không còn trẻ để học lại nên đành làm lao động nuôi thân. Sáu năm sau, gia đình tôi đoàn tụ nơi xứ người. Sau khi thử làm nghề nhà hàng sáu tháng không thành công, vợ tôi học may rồi lãnh hàng về nhà may. Còn tôi sau khi bị tai nạn lao động ở hãng thịt nguội, không thể làm nặng phải ở nhà phụ vợ may đồ. Nàng vẫn là lao động chính may máy plain, còn tôi chỉ hụ hợ may máy overlock. Chúng tôi may suốt ngày từ sáng sớm đến nửa đêm, chỉ nghỉ khi ăn cơm. Khi gặp hàng gấp, bị chủ hàng hối thúc, chúng tôi thức suốt đêm để may cho xong.

May mắn, hai con tôi biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, cố gắng học hành nên cả hai đều có nghề nghiệp vững chắc để nuôi thân và gia đình chúng, đôi khi còn cho cha mẹ tiền để đi du lịch đây đó.

Nhân ngày lễ Từ Phụ (Father’s Day), tôi xin nhắc nhở các bậc làm cha hãy cùng với người mẹ cố gắng tạo cơ hội cho các con mình có một nghề nghiệp vững chắc để tự nuôi thân. Những tỷ phú Do Thái dù giàu có nhưng bắt con cái phải làm cho công ty của mình từ vị trí một công nhân có lương thấp nhất để chúng có thể tự phấn đấu vươn lên. Có tiền bạc để lại cho con là tốt, nhưng để cho con có một cái nghề thì tốt hơn vì tiền bạc có thể hết nhưng nghề nghiệp thì không.

Ngày 7 tháng 7 năm 2021



Sài Gòn thương đau


Mình về Việt Nam cuối năm 2019, trước mùa dịch và kẹt lại Sài Gòn gần 10 tháng. Lúc đó đại dịch đang hoành hành ở Âu Cháu và Mỹ Châu nên mình không có phương tiện trở về Canada vì biên giới đã bị đóng cửa. Nhưng may mắn, tình trạng dịch bệnh ở Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng trong thời gian đó không đáng kể so với nơi khác trên thế giới nên mình an ổn ở quận 7 với gia đình đứa con trai về Việt Nam mở công ty điện toán. Thỉnh thoảng mình còn gặp người nhà, bạn bè và học trò cũ khi thì ở quán cà phê hay quán ăn để hàn huyên ôn lại những kỷ niệm cũ ngày mình còn sống ở Việt Nam.

Mình về tới Canada khi nơi này đang ở trong tình trạng dịch bệnh lan tràn chóng mặt. Mình phải tự cách ly tại nhà 14 ngày, quán ăn, xi nê, tiệm bán hàng không cần thiết phải đóng cửa, ban đêm thì giới nghiêm.

Nhưng cuối tháng 12 năm ngoái các nước Anh, Mỹ , Đức tìm ra được vaccine ngừa bệnh nên ở các nước phương Tây người dân được chích ngứa nhanh chóng. Bản thân mình cũng đã được chích đủ 2 mũi vaccine. Do đó, tình trạng ở các nước phương Tây đã trở lại bình thường.

Thương thay, nước Việt Nam từ cuối tháng 4 năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm ngày càng nhiều dù nhiều biện pháp phòng chống dịch được ban hành. Học sinh không đến trường, nhiều ngôi chợ đóng cửa, nhiều khu phố bị phong toả. Đời sống dân Sài Gòn thật là khó khăn.

Mình lo lắng cho gia đình đứa con trai còn kẹt lại Việt Nam, các người thân, các bạn bè và các em học trò cũ của mình. Cầu mong mọi người được bình an và đại dịch chóng qua để mọi người trởi lại cuộc sống bình thường. Và mình có dịp trở lại quê nhà tìm lại những thân tình cũ.

Ngày 26 tháng 7 năm 2021



Thương quá Sài Gòn


Mỗi ngày theo dõi tình hình dịch bệnh ở Sài Gòn, tim mình đau nhói. Hôm nay theo bộ y tế kể từ lúc bắt đầu có nạn dịch, trong cả nước hơn 100.000 người bị nhiễm Covid-19, riêng thành phố Sài Gòn chiếm 2/3, cả nước tử vong 524 người trong số đó 361 ở Sài Gòn.

Thành phố đã giản cách xã hội từ ngày 9/7 đến hôm nay 26/7 phải ban hành lệnh giới nghiêm từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng. Thành phố đã vắng vẻ từ mấy tuần trước nay càng vắng vẻ hơn.

Tôi lớn lên đi học, đỗ đạt, làm việc vui chơi ở đây từ mấy chục năm qua nhưng chưa bao giờ trông thấy thành phố vắng vẻ như thế. Trước nạn dịch, khi tôi trở về thăm thành phố thì đường phố đông nghẹt xe cộ, hai bên đường cửa tiệm, hàng quán đầy khách nay đường không một bóng xe, nhà nhà cửa đóng then gài. Ôi buồn làm sao khi nhìn cảnh ấy qua những clip video phóng sự.

Ở một nơi cách xa Sài Gòn nửa vòng trái đất, tôi chỉ biết cầu nguyện cho nạn tai khủng khiếp này chóng qua để mọi người tìm lại một Sài Gòn năng động của ngày nào.

Ngày 24tháng 8 năm 2021



NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT CHO SÀI GÒN


Mỗi ngày theo dõi tình hình dịch bệnh ở Sài Gòn, tôi không cầm được nước mắt. Theo bộ y tế kể từ lúc bắt đầu có nạn dịch đến hôm nay 24/8, trong cả nước bị nhiễm Covid-19 : 369.267 ca, riêng thành phố Sài Gòn chiếm 184.879 . Số tử vong : 9.014 người trong số đó 7.302 ở Sài Gòn. Thật kinh khủng!

Thành phố đã giản cách xã hội từ ngày 9/7 và từ 26/7 phải ban hành lệnh giới nghiêm từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng. Bây giờ biện pháp này sẽ kéo dài đến ngày 15/9. Mới đây, thành phố còn ban lệnh thiết quân luật từ ngày 23/8 đến hết ngày 6/9

Sài Gòn trở thành một thành phố ma. Ôi buồn làm sao khi nhìn cảnh ấy qua những clip video phóng sự.

Ngày 30 tháng 8 năm 2021



NHÌN VỀ QUÊ HƯƠNG: NỖI ĐAU THẮT RUỘT


“Quê hương ơi, Việt Nam nước tôi, tôi mong ngày về từng phút người ơi,
Quê hương tôi nằm cạnh biển khơi, cho tôi tiếng khóc từ khi ra đời “
(Đường về quê hương-Lam Phương)

Gần một năm từ khi tôi trở lại xứ tạm dung Canada, lòng vẫn nghĩ về quê nhà Việt Nam nơi có người thân, bạn bè và học trò cũ đang sống.

Nhớ lại một năm trước vì kẹt nạn dịch tôi ở lại Việt Nam gần 10 tháng. Trong thời gian đó, Việt Nam như là một ốc đảo thanh bình trong khi thế giới bên ngoài đang đắm chìm trong cơn bão dịch.

Tôi đã ở với gia đình đứa con trai với ba thằng cháu nội kháu khỉnh, đi du lịch miền tây, miền trung với chúng. Tôi đã gặp lại bạn bè để ôn lại kỷ niệm xưa. Tôi đã họp mặt với học trò cũ để hoà mình vào không khí vui nhộn với các em.

Từ cuối tháng 4 năm nay, đến lượt Việt Nam và nhứt là miền Nam trong đó đặc biệt là Sài Gòn trở thành tâm dịch của vùng Đông Nam Á. Hôm nay kể từ đầu đại dịch, số ca nhiễm Covid-19 đã vượt qua ngưỡng 400.000 và số người chết trên 10.000.

Ôi, thật tang thương cho đất nước ta. Dù mọi biện pháp đã được ban hành: giản cách, cách ly, “ai ở đâu thì ở yên đó”, kể cả việc đem quân đội vào để giữ trị an và tiếp tế cho người dân hầu các biện pháp trên được chấp hành triệt để, nhưng tình hình lây nhiễm vẫn chưa kềm chế được.

Tin tức người nhà, bạn xưa, học trò cũ người này bị nhiễm, người kia mất… làm mình càng đau xót. Thảm cảnh này bao giờ mới dứt và khi nào mình có thể trở về thăm lại quê hương?

Ngày 23 tháng 10 năm 2021



MỘT NÉN HƯƠNG LÒNG CHO NHỮNG NGƯỜI QUEN BIẾT VỪA NẰM XUỐNG VÌ ĐẠI DỊCH


Trong đại dịch đợt 4 này, thành phố Sài Gòn thiệt hại nhân mạng nhiều nhứt mà quận 4 của tôi cũng chịu tổn thất nặng nề.

Là một quận nghèo của thành phố, nhà cửa chật hẹp, dân số đông đúc lại bị phong toả nên số người chết vì Covid ở quận 4 rất cao trong số đó có những người mà tôi quen biết.

Vì đang ở ngoài đất nước nên những tin người này mất, người kia không còn đều do người thân và học trò cũ trong nước đưa qua, nên có gì không chính xác nhờ mọi người đính chánh giùm.

Trước hết là tin các đồng nghiệp cùng dạy học với tôi ở trường Nguyễn Trãi. Thầy Trương Đức Hoà và vợ là những người tôi được biết đầu tiên ra đi vì bệnh dịch và thầy Lưu Bá Khoan (nghe nói thầy Khoan mất vì lý do khác không phải vì Covid). Ngoài ra còn nghe tin cô Phụng và thầy Thiện cũng có số phận không may. Xin gởi lời phân ưu muộn đến gia đình các đồng nghiệp đó.

Về các em học trò cũ trường Nguyễn Trãi không may bị con virus Covid này cướp đi mạng sống thì có em Đức (lùn), Phúc, Nhơn(12C5) và Huỳnh Ánh Hồng. Tôi còn nhớ sự năng động, vui nhộn của em Hồng trong những buổi họp mặt của lớp 12D8. Thật đáng buồn.

Trong những lần về Việt Nam, vợ tôi thường đi gội đầu và tôi đi nhuộm tóc ở tiệm cháu Hiệp ở đường Đoàn Văn Bơ gần nhà bên vợ tôi. Mới đây, tôi nghe người nhà cho hay cháu Hiệp và hai bà bác là chj Đồng và chị Lộc cũng đã ra đi vì bệnh dịch. Thật xót xa.

Còn những người tôi quen biết như cháu Phước là con và vợ của anh Phát chủ tiệm vàng Đức Tín ở đường Tôn Đản đã mất trong trận đại dịch này. Vợ chồng tôi thường đổi tiền tại đây và lần nào cũng gặp cháu Phước với nụ cười thân thiện. 60 năm trước, tôi ngồi trên căn gác nhà tôi, tiệm may Huỳnh Tân và anh Phát ngồi trên căn gác nhà người anh, tiệm vàng Hữu Tín đối diện nhau trên đường Đỗ Thành Nhân cùng thức khuya”gạo” bài để chuẩn bị thi Tú Tài. Xin chia buồn với anh.

Và còn nhiều người khác mà tôi không nghe tin đã không còn trong cơn bào dịch này.

Từ nơi xa xôi, tôi xin thắp nén hương lòng cho những người tôi quen biết đã nằm xuống vì con virus quái ác này, cầu chúc họ sẽ an bình nơi cõi vĩnh hằng và sẽ phù hộ cho mọi người còn lại sớm thoát khỏi tai ương này.

Trở về trang nhà