MÙA HÈ DA ĐỎ

 

“C'était l'automne, un automne où il faisait beau

Une saison qui n'existe que dans le Nord de l'Amérique…”

(L’été Indien-Joe Dassin)

“Đó là mùa thu, một mùa thu có nắng ấm

Một mùa chỉ có ở Bắc Mỹ”..

(Mùa hè da đỏ- Joe Dassin)

 

MuaHeDaDo.jpg

Lần đầu tôi đã nghe bản nhạc này khi ngồi trong xe của Hùng khi mới qua định cư ở Montréal.

Hùng là người bạn trẻ cùng ở chung trại tỵ nạn Pulau Bidong, Mã Lai những năm 1986, 1987 với tôi. Cậu ta cũng cùng dạy chung với tôi tại trường Pháp Văn khu F trên đảo mà tôi là hiệu trưởng và cô Odile là cố vấn.

Cậu được qua Canada vì có chị ở đó, cậu qua định cư trước tôi gần một năm, sau đó tôi cũng qua đến vì em gái tôi nhờ một hội nhà thờ bảo lãnh tôi.

Nhưng tôi đi làm trước Hùng ở hãng thịt nguội Parisienne và khi ông chủ nhờ tôi kiếm giùm một công nhân người Việt, tôi đã giới thiệu Hùng vào làm việc chung với tôi.

Những ngày cuối tuần, Hùng thường lấy chiếc xe hơi cũ mua lại của một người quen chở tôi đến khu Côte des Neiges ăn sáng ở tiệm phở Hoà, chơi bi da hay gặp gở bạn bè. Thời gian đó, khu Côte Des Neiges là nơi tập trung đông đảo di dân người Việt.

Hùng thường mở một băng cassette nhạc Pháp trong đó có những bản như Et si tu n’existais pas, Le café des trois colombes, Et pourtant, Aline, La maladie d’amour, Je ne t’aime plus… với những giọng ca huyền thoại của Pháp như Christophe, Charles Aznavour, Michel Sardou… và nhứt là Joe Dassin, một giọng ca ấm và buồn làm rung động lòng người.

Khi Montréal vào thu và trong buổi sáng của những ngày nắng ấm đầu thu này ngồi bên ly café, nhìn ra ngoài qua khung cửa sổ và mở máy nghe bản nhạc L’été Indien với giọng ca Joe Dassin thì không còn gì bằng. Nhìn những chiếc lá vàng lác đác rơi xuống mặt đường và lăn tăn bay là đà theo gió tôi miên man nghĩ về quá khứ.

Cuộc đời tôi thăng trầm như vận nước. Từ những tháng ngày ấu thơ ở quận 4, một quận lao động nghèo của Sài Gòn đến khi tốt nghiệp đại học đi dạy ở Trà Vinh, một tỉnh buồn đìu hiu của vùng sông nước. Từ những lúc mặc áo lính, lội bùn lầy hành quân ở miền Tây hay giữ cầu ở miền Đông đến lúc đi học tập cải tạo sau năm 1975. Rồi mở lớp dạy tư ở nhà, bán quán nhậu, lưu lạc qua Campuchia và cuối cùng vượt biên sang Mã Lai, ở trại tỵ nạn và định cư ở “xứ lạnh, tình nồng” Canada.

Tại sao, ở vùng Bắc Mỹ, tên gọi chung phần phía bắc của lục địa châu Mỹ gồm 3 nước: Canada, Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ, lại có “mùa hè da đỏ”. Là vì , vào đầu mùa thu, khoảng giữa tháng 9 và tháng 10 có một thời gian 4 hay 5 ngày ở Canada, thời tiết bỗng trở nên ấm áp như mùa hè. Và tại sao lại gọi là “mùa hè da đỏ”? Nhà thám hiểm Christophe Colomb muốn đi thăm Ấn Độ (Inde), vì ông tin rằng tuy Ấn Độ ở về phía đông của châu Âu nhưng vì trái đất hình tròn người ta có thể đi về phía tây cũng đến được Ấn Độ. Do đó, khi ông gặp được lục địa châu Mỹ ông tưởng đó là Ấn Độ nên ông gọi thổ dân da đỏ ở đó là người Ấn Độ . Vì vậy, chữ Indien ở đây có nghĩa là da đỏ chứ không phải là Ấn Độ.

Trở lại với những bản nhạc Pháp, thời tôi còn là sinh viên đại học của những năm đầu của thập niên 1960, những ca sĩ như Christophe, Dalida, Adamo, Silvie Vartan, Francoise Hardy… là thần tượng của thanh niên, thiếu nữ Sài Gòn. Nhạc Pháp gần với tâm hồn người Việt Nam hơn là nhạc Mỹ. Lúc tôi ở trại tỵ nạn Mã Lai, khi ban thông tin của trại cho phát nhạc Pháp thì hầu như mọi người trên đảo đều lắng nghe.

Mùa thu về, lẫn trong đó những ngày hè “da đỏ” ấm áp cuối cùng kéo tôi về những kỷ niệm vui, buồn của quá khứ. Lại đang ở một nơi xa quê hương nửa vòng trái đất, tôi không khỏi chạnh lòng nghĩ đến những khổ nạn mà người dân Việt Nam đang chịu đựng trong mùa dịch. Cầu mong dịch bệnh chóng qua để cuộc sống mọi người trở lại bình thường.

Montréal, ngày 12/10/2021

 

 

 

 

 

 

 

 

 

All reactions:

1919