ĐAI LỘ NGUYỄN HUỆ NGÀY XƯA TRONG TRÍ NHỚ

Bút ký Huỳnh Công Ân

 

“Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi”

                               (Sài Gòn đẹp lắm-Y Vân)

 

Lớn lên ở thủ đô Sài Gòn, tôi có rất nhiều kỷ niệm với thành phố này. Nhừng con đường mang tên Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Tự Do, Nguyễn Huệ…của quận 1, trung tâm Sài Gòn đã ghi đậm những bước chân tôi. Một trong những con đường tôi thường lui tới là đại lộ Nguyễn Huệ.

DaiLoNguyenHue1.jpg

 

Khi còn là sinh viên, sau những ngày “dùi mài kinh sử” ở giảng đường đại học và những đêm “gạo bài” ở nhà, tôi vẫn dành những ngày cuối tuần để đi ‘bát phố”. Đại lộ Nguyễn Huệ là một trong những con đường đẹp và náo nhiệt nhứt Sài Gòn với hai dãy kiosque nằm dưới tàng nhứng cây cổ thụ  che bóng mát. Những kiosque này đa số là tiệm chụp hình, bán hoa, bán đồ điện tử…Tôi thường đem phim chụp hình đến rửa tại kiosque Đống Đa, tiệm ảnh nổi tiếng nhứt tại đây. Cũng tại một kiosque bán đồ điện tử ở đại lộ Nguyễn Huệ này, khoảng năm 1974, lần đầu tiên tôi xem được một băng hình, tiền thân của các băng video sau này.

DaiLoNguyenHue.jpg

 

Nếu hôm nào đi với “đào”, sau khi xem phim ở rạp Eden, cũng nằm trên đại lộ Nguyễn Huệ, tôi dẫn người đẹp đi ăn kem ở quán Phương Lan (không nhớ có đúng tên không), gần thương xá Tax, kín đáo  và ấm cúng. Còn bữa nào, đi “cu ky” một mình hay với những thằng bạn thì tôi ngối quán kem Pôle Nord, ở mặt tiền thương xá Tax để “rửa mắt”. Trong những năm 1972, 1973 khi coi cầu Đồng Nai, Biên Hòa, thỉnh thoảng tôi và các sĩ quan cùng đơn vị lái xe xuống Sài Gòn để vào quán Tre trong thương xá Tax thưởng thức món hột gà lộn 11 ngày. Từ đó mãi đến năm 2018, nhân chuyến ghé nhà một người bạn ở Hawaii,trước khi về Việt Nam, tôi có dịp ăn lại món này do con trai bạn tôi mua ở một vựa bán trứng của người Phi Luật Tân trên đảo. Cũng trong thương xá Ta x này, có một thời gian tôi tôi hay lui tới vì quen với một cô thợ may làm trong một tiệm may ở đó.

ChoHoa .jpg

 

Nhưng vào dịp trước tết hàng  năm, khi chợ hoa Nguyễn Huệ mở cửa là lúc nam thanh nữ tú dập dìu lượn quanh con đường Nguyễn Huệ. Họ đến đây không phải để mua hoa về chưng trong nhà ngày tết mà đúng như hai câu ca dao:

“Trai khôn tìm vợ chợ đông,

“Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”

 

Những người con trai đến đây để ngắm hoa nhưng  là “hoa biết nói” chứ không phải là hoa mai, hoa cúc, hoa đào… đang bày bán ở đó. Còn các cô gái thời đó, đến đây đê gặp những người hùng mà trên ve áo trận có những bông mai vàng sáng chói. Và từ đó có những chuyện tình lãng mạn thời chinh chiến được kể lại qua văn chương, âm nhạc.

 “Như cánh hoa trong thời biển dâu
“ Xin anh săn sóc cho đời thắm màu”

               (Cánh hoa thời loạn-Y Vân)

 

Trong xã hội Việt Nam ”xã hội chủ nghĩa” ngày nay, đối tượng của các cô gái bây giờ ngoài các đại gia là các anh công an quyền thế kiếm tiền không tốn sức lao động!

leloi-nguyenhue-2.jpg

 

Đại lộ Nguyễn Huệ, một đầu giáp với bờ sông Sài Gòn, đầu kiên khép kín bằng tòa đô chính. Nơi giao với đại lộ Lê Lợi là một hồ phun nước, ban đêm đèn rọi thành những tia sáng lung linh đẹp mắt. Ngoài thương xá Tax, đại lộ Nguyễn Huệ còn có tòa cao ốc là trụ sở ngân hang quân đội: Kỷ Thương Ngân Hàng và rạp xi nê thanh lịch nhứt Sài Gòn: rạp Rex với hai rạp phụ mini Rex A và Mini Rex B.

nguyen-hue-18.jpg

 

Ngược dòng thời gian, khởi thủy đường Nguyễn Huệ là 1 con kênh dẫn vào thành Gia Định (còn gọi Thành Bát Quái 1790-1835). Người Pháp gọi là Kênh Grand, người Việt gọi là Kênh Chợ Vải. Hai con đường hai bên Kinh Lớn: một chạy xuống phía bờ sông Sài Gòn, qua phía trước Chợ Cũ là rue Rigault de Genouilly (bên trái), đường từ phía sông chạy lên là rue Charner (bên phải). Khi Kinh Lớn bị lấp vào năm 1887 thì hai con đường được nhập lại thành Boulevard Charner tức là đại lộ Nguyễn Huệ sau này.

Kênh Lón.jpg

 

Ngày nay, nhà cầm quyền CS bắt chước các nước phương tây biến đại lộ Nguyễn Huệ thành “phố đi bộ”. Họ đốn hết cây xanh, phá bỏ các kiosque  bán hang, nhứt là đập bỏ thương Tax làm cho đại lộ Nguyễn Huệ mất hết vẻ đẹp và những bóng mát của một con đường chứa bao kỷ niệm của người Sài Gòn. Đúng như hai câu thơ:

“Tiếc thay cây quế giữa rừng,
Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo.”

                                                       (Khuyết danh)

Huỳnh Công Ân

Montréal, 21/2/2022