Phần 2: Nghệ sĩ: cô Ba Trà Vinh
Cô Ba Trà Vinh tên thật Trần Thị Tân, sinh
năm 1917. Năm đầu tiên của thập niên 1940,
làng “dĩa đá” (thời gian này, các hãng dĩa âm nhạc
Việt Nam mới ra đời, ghi âm và phát hành các giọng
ca trên “dĩa đá” màu đen, “dĩa nhựa” mới có
từ thập niên 1970 trở về sau) Sài Gòn cùng giới
mộ điệu tri âm bộ môn tài tử cải
lương bất ngờ đến mức ngỡ ngàng
trước sự xuất hiện của một giọng
ca nữ trẻ trung, lạ lẫm cùng một nghệ danh
rất lạ: Cô Ba Trà Vinh. Trong dĩa vọng cổ
“Dẫu có xa nhau rồi”, giọng ca mới này có âm vực
rộng, làn hơi đầy đặn, rõ chữ tròn vành,
lúc nỉ non ai oán, khi thác dậy sóng trào... hòa cùng tiếng
đờn kìm độc chiếc của thầy Hai
Dậu - một danh cầm đất Trà Vinh - đã
thổi một làn gió mới trong lành, nâng cao vị thế
bài ca vọng cổ và các bài bản tài tử trong lòng
người hâm mộ.
Kể
từ đó, giới tài tử cải lương Việt
Nam có thêm một nữ nghệ sĩ tài năng mang tên Cô Ba
Trà Vinh, bên cạnh những Năm Phỉ, Phùng Há, Cô Năm
Cần Thơ... Hồi ấy nhiều lá thư của
thính giả khắp mọi miền đất nước
tìm đến hãng dĩa Rồng Bạc với cùng một
thắc mắc: Cô Ba Trà Vinh là ai?
Ở
Trà Vinh, ai cũng biết tiếng ông thầu khoán giàu có “hào
hoa phong nhã” Lê Văn Thạnh. Sau những năm dài theo
đuổi các “bóng sắc giai nhân”, ông Thạnh trở
lại quê nhà. Như để chuộc lỗi với
vợ con, ông hết lòng thương yêu, chăm sóc cô con gái
rượu Trần Thị Tân -mang họ người
mẹ khi cô được sinh ra trong khoảng đời
đau khổ của bà. Cô Tân vừa xinh người đẹp
dáng, vừa được trời phú cho một giọng
ca mượt mà. Năm 15 tuổi, cô từng
được mời hát giúp Nhà Thông tin tỉnh với
khoản tiền thù lao 15 đồng bạc Đông
Dương mỗi tháng. Khoản tiền ấy đã giúp
cô và mẹ trang trải được chi phí sinh hoạt
khi người cha vẫn còn biền biệt. Khi sống
với cha, nhiều lần cô Tân xin cha lên Sài Gòn theo
nghiệp cầm ca nhưng ông Thầu Thạnh cương
quyết ngăn cấm, ai đời lại để cô
con gái rượu của một nhà thầu khoán danh
tiếng đi vào vòng xướng ca...
Như
bao người ở Trà Vinh lúc đó, ông thầu Thạnh
cũng rất mê giọng ca Cô Ba Trà Vinh khi dĩa vọng
cổ “Dẫu có xa nhau rồi” được phát hành
về đến Trà Vinh, làm xôn xao dư luận tại cái
thị xã nhỏ bé, quanh năm yên tĩnh này. Thỉnh
thoảng lúc trà dư tửu hậu, khi thư giãn sau
hồi công việc căng thẳng, cả những lúc cao
hứng, thầu Thạnh thường ngâm nga lời ca mà
thuộc lòng, của người nữ nghệ sĩ
đang làm rạng rỡ quê hương Trà Vinh của ông.
Thầy đờn Hai Dậu thì Thầu Thạnh là chỗ
thân quen, hàng ngày thường tới lui đờn giúp cho
“con Tân” nhà ông ca - bị gặng tới gặng lui..., thầy
Hai Dậu vẫn chỉ nở nụ cười bí
hiểm, khiến ông Thạnh mãi nghi hoặc.
Một
tối nọ, ông thầu Thạnh dẫn cô con gái
rượu Trần Thị Tân ra chợ lựa mua cho cô
dĩa vọng cổ “Dẫu có xa nhau rồi”, để cô
học hỏi thêm ở giọng ca người nữ nghệ
sĩ tài danh ấy. Xoa đầu cô con gái quá ham thích
vọng cổ, ông nói:
-
Con mà ca được như Cô Ba Trà Vinh là ba cho con lên Sài
Gòn liền...
Cô
Trần Thị Tân tròn xoe đôi mắt:
-
Thiệt hả, ba?
Tình
cờ đằng kia thầy đờn Hai Dậu cũng
đang lựa mua dĩa bật cười:
-
Ông thầu khoán ơi, cô Ba Trà Vinh đang đứng bên
cạnh ông đó!
Thầu
Thạnh quay sang cô con gái của mình:
-
Con, con là... Cô Ba Trà Vinh?
Sau
này, ngồi ôn lại chuyện cũ cùng chúng tôi bên ngôi nhà
nhỏ gần cầu Phan Thanh Giản (Bình Thạnh ), Cô Ba
Trà Vinh ngậm ngùi nhìn lên bàn thờ, kể lại: Mấy
tháng trước đó, tôi được thầy Hai
Dậu “bí mật” dẫn lên Sài Gòn, tìm đến hãng
dĩa Rồng Bạc. Nhờ uy tín của thầy, họ
đồng ý cho thu nhưng cả hãng chỉ còn một
dĩa duy nhất (phải còm măng tận bên Pháp) nên không
thể thử giọng mà thầy trò tự chuẩn
bị, rồi thu thiệt luôn”. Có lẽ, đây là
trường hợp duy nhất trong giới dĩa hát
Việt Nam từ trước tới nay, một giọng
ca mới toanh mà chỉ thu qua một lượt, rồi
xử lý hậu kỳ là phát hành luôn.
Kể
từ đó, ông thầu Thạnh đã “tháo cũi xổ
lồng” cho cô con gái rượu của mình tung cánh vào chân
trời nghệ thuật - với một điều
kiện “chỉ đi hát đĩa chứ không lên sân
khấu”. Nhờ vậy, giới tài tử cải
lương Việt Nam có thêm một nữ nghệ sĩ
chuyên nghiệp tài danh mang tên Cô Ba Trà Vinh bên cạnh Cô Năm
Cần Thơ, Cô Ba Bến Tre, Cô Năm Sa Đéc. Những
năm trước 1945, mới chân ướt chân ráo lên Sài
Gòn, Cô Ba Trà Vinh gia nhập quán Mỹ Linh ở
đường Dumortier (nay là đường Cô Giang), sau
đó gia nhập nhóm Lệ Liễu là những nhóm
đờn ca tài tử phục vụ thực khách, một
trào lưu được giới thị dân ưa
chuộng lúc đó, bên cạnh những tên tuổi như
Lệ Liễu, Bảy Bửu, Ba Cất, Văn Lộc,
Năm Cơ...
Sau
thành công của “Dẫu có xa nhau rồi”, nhiều hãng
“dĩa đá” như Hoành Sơn, Pathé, Asia, Tri Âm... mời
ngôi sao nữ mới nổi này thu nhiều dĩa tài tử
và vọng cổ với mức thù lao tương
đối khá. Năm 1950, dĩa “Nợ nước tình nhà”
với một số bài ca vọng cổ của soạn
giả Viễn Châu qua giọng ca Cô Ba Trà Vinh và tiếng
đờn kìm độc chiếc của nhạc sĩ
Năm Cơ gặt hái thành công vang dội, đưa
“bộ ba Trà Vinh” này lên một đỉnh cao mới
của sự thành công, tạo ra một “mô hình khép kín” trong
giới kinh doanh “dĩa đá”, bao gồm soạn bài ca cho
phù hợp chất giọng (Bảy Bá - tức soạn
giả Viễn Châu), ca (Cô Ba Trà Vinh) và đờn (Bảy Bá
- Năm Cơ). Đây còn là cột mốc đánh dấu
sự phát triển của bài ca vọng cổ 20 câu,
nhịp 16.
Năm
1952, Cô Ba Trà Vinh ký contract (hợp đồng) làm việc cho
Đài Phát thanh Pháp - Á, theo dạng hợp đồng
“nghệ sĩ độc quyền”, rồi sau đó là
Đài Phát thanh Sài Gòn cho đến năm 1973. Khoảng
thời gian này, Cô ba Trà Vinh vẫn là giọng ca
được các hãng dĩa tranh nhau phát hành với hơn
50 dĩa vọng cổ - một di sản nghệ thuật
khá đồ sộ dành lại cho hậu thế. Nhiều
bài hát qua giọng ca của cô đã đi sâu vào lòng công chúng
như Trưng Trắc - Trưng Nhị, Nợ nước
tình nhà, Bên bờ hồ...
Lúc
đó, sân khấu cải lương cũng như một
ngành kinh doanh hái ra bạc. Nhiều đoàn hát
được thành lập, cạnh tranh nhau ráo riết, tìm
mọi cách săn đón, giành giật các giọng ca tài
năng. Giọng ca cô Ba Trà Vinh cùng sự mến mộ
của công chúng đối với cô đã trở thành
mục tiêu của những ông bầu giàu có nhưng cô Ba
khẳng định mình là một nghệ nhân tài tử,
mặc dù nhiều tên tuổi cùng thời với cô
chuyển dần sang sân khấu cải lương. Sau này,
đáp ứng yêu cầu của thính giả, đài phát thanh
có tự thu để phát một số vở cải
lương manh tính kinh điển và cô Ba Trà Vinh có tham gia
diễn xuất trong hơn chục vở cùng các giọng
ca Bảy Thưa, Cô Ba Bến Tre... Suốt đời, cô Ba
Trà Vinh chưa một lần đặt chân lên sàn diễn
sân khấu. Lời hứa ngày xưa với người
cha đã được cô Ba Trà Vinh giữ vẹn
đến ngày nhắm mắt.
Năm 2004,
cô Ba Trà Vinh đã vĩnh viễn đi xa, khép lại
một cuộc đời hơn 60 năm hoạt
động nghệ thuật bền bỉ, sáng tạo và
thủy chung. Tuy nhiên giọng ca của cô, di sản của
cô để lại cho hậu thế cũng như tấm
lòng của bạn bè, đồng nghiệp, giới mộ
điệu tri âm đối với “giọng ca vàng” một
thời ấy vẫn mãi mãi tồn tại cùng đất
nước non sông.
(Theo Quê Hương Website)