Biên Hòa: một thời để thương , một thời để nhớ
Tùy bút Huỳnh Công Ân
Mãi đến năm 1969, tôi mới đặt chân lần đầu tiên đến thành phố Biên Hoà dù nơi đây chỉ cách Sải Gòn có 30 cây số. Đó là ngày tôi đến trường
Ngô Quyền để trình sự vụ lệnh thuyên chuyển từ trường trung học
Vĩnh Bình, Trà Vinh.
Trong sáu năm làm việc tại Biên Hoà, tôi đã có nhiều kỷ niệm
ở đây. Thời gian nảy
được chia làm hai giai đoạn: hai năm trong lính 1972-1973 và
bốn năm còn lại 1969-1971
và 1973-1975 dạy học.
Hai năm làm lính giữ cầu Đồng Nai trên xa lộ Sài Gòn -Biên Hoà cho tôi sống lại cuộc
đời hào hùng những năm 1968-1969 của một người trai
trong thời chinh chiến ở sư đoàn 9 bộ binh từng ngang dọc khắp
các chiến trường Vĩnh Long, Vĩnh
Bình, Sa Đéc.
Bốn năm dạy học ở trường
Ngô Quyền, Biên Hoà đem lại cho tôi mối dây thân ái thầy trò mà đến nay đã qua nửa thế kỷ vẫn nồng ấm
qua những buổi họp mặt ở hải ngoại
hay trong nước.
Biên Hoà là một phần trong cuộc đời tôi như Sài Gòn và Trà Vinh.
Những chuyến đi lên Biên Hoà gặp lại học trò cũ là những lần tôi cảm thấy mình như trẻ lại vài chục tuổi khi cùng các em ôn lại ký ức cảnh ngôi trường cũ với sân trường đầy những tà áo trắng vờn bay trong gió và bụi phấn mịt mù rơi lả chả trên bục gỗ
trong lớp. Một thời là thầy, là trò sao vừa thiêng liêng vừa thân ái quá. Tôi đã hãnh diện khi biết
NguyễnTất Nhiên, học trò của mình là một nhà thơ nổi tiếng và cũng xót xa biết bao khi biết
Nhiên lận đận trong tình trường và thi rớt Tú tài. Ngày nay, trong những buổi họp
mặt với các em khi biết có nhiều em là bác sĩ giỏi ở hải ngoại
hay trong nước hay là những chuyên viên kỷ thuật cao cấp làm việc ở
nước ngoài hoặc là những người thành công trong
thương trường thì tôi rất vui. Ngược
lại, tôi cũng buồn biết bao khi có nhiều em lận
đận trong việc mưu sinh hay đau ốm.
Những lần đi ngang cầu Đồng Nai, tôi mường tượng lại những
tháng ngày làm lính gác cầu của mình. Những bạn đồng ngũ ngày xưa nay ở đâu? Nhớ những buổi chiều cùng thiếu uý Hoàng chạy xe ra ngả ba Tam Hiệp mua
đồ PX của Mỹ. Lại nhớ những buổi
trưa ra ngả ba Tân Vạn ăn cơm. Bà chủ tiệm cơm biết tôi còn độc thân ngỏ lời muốn làm mai cho tôi một cô gái đẹp, tôi chỉ mỉm cười không trả lời ưng hay không. Tôi không muốn ai đó thành goá phụ "ngây thơ". Tôi cũng còn nhớ có lần, sau khi biệt
phái về bộ giáo dục, tôi đến toà tỉnh thăm thiếu uý Phước, trước ở cùng đơn vị nay về làm phòng bình định phát triển của tỉnh. Dịp này tôi gặp được tài tử Huỳnh Thanh Trà, vai chính trong phim Loan Mắt Nhung làm chung chỗ với Phước và cả ba chúng tôi đã nhậu một chầu
tới bến ở trong trạm gác tại cổng. Cũng trong khuôn viên toà tỉnh, tổng thống Thiệu
đã tổ chức một
bữa tiệc linh đình ngoài trời để đãi các nông dân thuộc tỉnh Biên Hoà trong dịp kỷ niệm ngày Người Cày Có Ruộng mà để bảo đảm an ninh cho buổi
tiệc, các sĩ quan trong tiểu khu chúng tôi mặc thường phục
làm nhân viên chạy bàn. Sau đó, mỗi người
được lãnh một bằng Tưởng Lục.
Mùa thi vào lớp đệ thất trường Ngô Quyền hay Tú tài tôi được cắt dẫn
lính giữ an ninh trường thi.
Lần cuối trước ngày miền Nam mất, tôi lên Biên Hoà lãnh tháng lương chót trong cuộc đời công chức của nhà nước VNCH. Tôi ngồi uống bia một mình tại đầu hẻm vào ga xe lửa, trước rạp hát Biên Hùng để thu vào ký ức một Biên Hoà tự do trước khi bị đổi
chủ. Kỷ niệm đau buồn ấy không bao giờ phai mờ trong tâm khảm của tôi.
Ôi thương biết bao ngôi trường Ngô Quyền nơi dạy và học của những con người
từng đem trí tuệ và có khi là cả mạng sống mình cống hiến cho miền Nam. Bây giờ có thể họ không còn nữa hay sống vất vường ở quê nhà hoặc đang
tha hương nơi đất khách nhưng Biên Hoà vẫn là điểm hội tụ của họ có khi bằng cuộc họp mặt hay
đơn giản hơn, có khi chỉ là một mối tơ tưởng
trong một giây phút nào đó.
Ôi thương biết mấy, cây cầu Đồng Nai (cũ), tuy cũ
kỷ và thấp hơn cây cầu Đồng Nai (mới) nhưng
đã từng anh dũng chận bước quân thù âm mưu tiến vào cửa ngỏ Sài Gòn. Những người lính gác cầu Đổng Nai ngày xưa đã tan tác như đàn chim vỡ tổ nhưng họ vẫn tự hào mình đã làm tròn bổn phận những
người trai trong thời chiến khi giữ vững một
phòng tuyến trọng yếu của tiểu
khu Biên Hoà.
Ngày xưa tôi thương Biên Hoà và ngày nay tôi nhớ Biên Hoà.
Sài Gòn mùa Noel năm 2019